Bói bài Tây 52 lá phải chăng là hình thức xem bài Tarot?
Hỏi: Xem bài Tarot có phải là bói bài Tây 52 lá không?
Đây là câu hỏi Wichita Tarot nhận được khá thường xuyên của khách hàng. Wichita sẽ giải đáp cho khách hàng đầy đủ hơn về câu hỏi trên qua bài tổng hợp có biên tập những chia sẻ của chị Kay. Mục đích biên tập là cho ngắn gọn, đi vào trọng tâm phần khách hàng muốn biết. Mời mọi người tham khảo.
“Tarot là bài 78 lá, bài Tây 52 lá lấy từ bài Tarot mà ra, nên đương nhiên, Tarot sẽ có 52 lá y chang như bài Tây, thêm 4 lá tên là (Hiệp) Sĩ, trên Bồi và dưới Đầm, cũng có Sĩ cơ, Sĩ rô, Sĩ chuồn, Sĩ bích – 56 lá này trong Tarot gọi là Minor Arcana (Tiểu Bí Mật) vì nó dùng để chỉ những việc bình thường trong cuộc sống, những việc nhỏ, hoặc chỉ người thực hiện các việc đó.
Tarot có thêm 22 lá nữa, gọi là Major Arcana (Đại Bí Mật), vì nó chỉ chuyện… trên trời, chuyện lớn, chuyện ngoài tầm tay của mình, và khớp với 22 ký tự Hebrew trong bản chữ cái của người Do Thái cổ. 78 lá đó mỗi lá đều là một câu chuyện, một ý nghĩa, một tình huống, một hiện trạng khác nhau.
Tarot khác bài Tây ở chỗ pictorial presentation, có nghĩa là Tarot vẽ hình các ý nghĩa ra, chứ không vẽ “màu” cơ, rô, chuồn, bích khá khó hiểu. Chính vì vậy mà hiện tại trên thế giới chắc có khoảng hơn 100,000 bộ bài Tarot khác nhau, và mỗi năm, với tốc độ thương mại hóa khoa học huyền bí như hiện tại ở phương Tây, lại cho ra mắt thêm vài chục bộ nữa. Nhưng hãy cứ nghĩ Tarot như 24 chữ cái, có vẽ bằng font chữ nào thì ý nghĩa hầu hết cũng vẫn được giữ nguyên cho từng lá bài
Tarot có xuất xứ từ đâu? Cái này các nhà nghiên cứu vẫn chưa trả lời được. Một số người nói nó có nguồn gốc từ Ai Cập, nghĩa là tuổi đời Tarot cho đến nay khoảng 10,000 năm. Một số khác nói từ Do Thái cổ, vì tarot là đọc trại của “torat” hay là “torah”, bộ kinh của người Do Thái.
Nhưng để gọi là chuẩn hóa thành 78 lá như hiện tại, thì phải đợi đến thời kỳ Phục Hưng, khi con người bắt đầu quan tâm và tái hiện lại văn hoá Hi-La, hậu duệ của văn minh Ai Cập. Ở thế kỷ 14, tại triều đình Ý (lúc này tồn tại ở dạng thành bang), nhờ việc lật lại các văn bản khảo cổ xưa, đã phục hưng lại Tarot và chuẩn hóa lại một số ý nghĩa trong từng lá bài, đồng thời bắt đầu phác họa ý nghĩa của từng lá trong bộ Đại Bí Mật-Thiên Định; trong khi đó, bộ Tiểu Bí Mật-Nhân Định vẫn còn vẽ theo kiểu đại diện (ví dụ: con 4 chuồn Four of Wands vẫn vẽ là 4 cây gậy chứ chưa vẽ theo ý nghĩa của lá này).
Đến năm 1910, Arthur E. Waite, một nhà huyền bí học thuộc hội kín Golden Dawn đã nhờ một họa sĩ làPamela Coleman Smith vẽ lại toàn bộ 78 lá theo học thuật của ông, và đó là bộ bài Tarot đầu tiên theo trường phái pictorial presentation (thể hiện bằng hình ảnh), khác hoàn toàn kiểu triều đình Ý (mà bộ bài Tây lấy từ đó). Vì có quá nhiều bộ vẽ theo nhiều phong cách khác nhau, bộ bài này ra đời đã “quán quân” tất cả, và trở thành bộ bài chuẩn, dùng để học vỡ lòng môn Tarot.
Vậy: Tại sao chỉ cần lật vài lá bài là biết vận mệnh chúng ta?
Chẳng phải mỗi người đều là một thực thể độc lập, với một lịch sử và hướng đi hoàn toàn khác nhau? Các nhà phân tâm học vào cuộc…
Carl Jung, học trò của Sigmund Freud (cả hai thầy trò nhà này đều trở thành nhà phân tâm học nổi tiếng nhất lịch sử nhân loại) có một lý thuyết rất hay: collective subconsciousness (hệ tiềm thức tập trung/chuẩn). Tóm tắt: loài người tuy tồn tại độc lập với suy nghĩ riêng, nhưng đều đóng góp và rút ra nhiều thứ từ cái hệ chuẩn này. Hệ này hoạt động bằng hình ảnh. Ví dụ: một người Hi Lạp cổ đại, với một người làm chứng khoán ở New York thời hiện đại, và một người Việt Nam sống ở Quảng Nam, cả 3 người này, khi nghĩ về từ “mẹ”, hoặc nhìn hình ảnh một người đàn bà hơi lớn tuổi, phúc hậu, xung quanh là thiên nhiên tươi tốt sum sê trĩu quả, có thêm đứa con càng tốt, đều nghĩ đến “mẹ”, và lập tức trong đầu họ, sẽ nảy ra một nhóm thuộc tính liên quan đến “mẹ” như: tình mẫu tử, thai nghén, sự nuông chiều, đất mẹ…
Tại sao loài người lại có cùng một ý tưởng đó. Chính là do có collective subconsciousness. Hệ chuẩn này là nền tảng của tư duy con người, của nghệ thuật, của xã hội. 78 lá bài Tarot thể hiện đúng 78 hình thái hệ tiềm thức chuẩn đó. Ý tưởng về “mẹ” chính là lá số 3 của bộ Thiên Định, số của sự sáng tạo (nam nữ hai người gặp nhau sinh ra người thứ ba), số của sự dưỡng nuôi, và lá Tarot này tên là “The Empress” – Nữ Hoàng, mẹ của các mẹ. Ý nghĩa bao quát của lá bài này là: làm mẹ, chăm sóc, sự đầy đủ, các giác quan, thế giới tự nhiên.
Lá The Empress (Nữ hoàng) của bộ Rider Waite Tarot có người đàn bà mặc áo lựu đỏ (lựu tượng trưng cho hoa quả của đất mẹ và sự nữ tính), giữa vườn cây trái màu mỡ, có cái khiên với dấu hiệu Venus.
Chính vì vậy, Tarot là xuyên văn hóa, xuyên thời gian và không gian. Để kích hoạt sự kết nối của tiềm thức cá nhân với tiềm thức tập thể/tiềm thức chuẩn này, khi bốc bài người ta cần tập trung nghĩ về vấn đề muốn hỏi, khi rút thì rút bằng tay không thuận, để thùy não chỉ huy hình ảnh, tiềm thức được tiếp cận nhanh nhất. Khi rút bài, ta đã dùng chính năng lượng của mình, nhân điện của mình để ảnh hưởng lên tính ngẫu nhiên của việc xào rút bài, và nhìn kìa: ta đã rút được những lá bài miêu tả chính xác tình trạng của chúng ta, đồng thời có cả lời khuyên đi kèm. Thật kỳ diệu!”
Nhận xét
Đăng nhận xét